Phát biểu của Đại sứ Ted Osius nhân Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Chương Trình Giảng Dạy Kinh Tế Fulbright (FETP)


Theo nguồn tin trên trang mạng Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội


17/1/2015
Dinh Thống Nhất

Xin chào các bạn. Thật tuyệt vời được gặp tất cả các bạn tại đây hôm nay trong sự kiện thực sự lịch sử này. Cảm ơn Tommy vì lời giới thiệu thật ấm áp.

Tôi không thể nghĩ ra cách nào tốt hơn để bắt đầu năm 2015 bằng cách chào mừng kỷ niệm 20 năm Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright. Năm 2015 đánh dấu kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Khi chúng ta cùng nhìn lại xem hai nước đã phát triển gần gũi như thế nào, mối quan hệ giữa người dân hai nước đã được củng cố ra sao, và kinh tế của Việt Nam đã phát triển nhanh chóng như thế nào, không nơi nào kể được câu chuyện này hay hơn là tại đây với tất cả các bạn đến FETP.

FETP và chương trình Fulbright được thành lập nhiều tháng trước khi hai nước bình thường hóa quan hệ, nhờ vào các lãnh đạo có tầm nhìn của hai nước, trong đó có Ngoại trưởng John Kerry và người bạn của tôi từ Harvard, ông Thomas Vallely. Tôi tin rằng chương trình gửi một thông điệp mạnh mẽ về các giá trị của Hoa Kỳ, về kỳ vọng cho mối quan hệ giữa hai nước cách đây 20 năm, và một vài các sáng kiến đầu tiên chúng tôi thực hiện tại Việt Nam là trong lãnh vưc giáo dục.

Trong 20 năm qua, quan hệ hai nước chúng ta đã mở rộng để bao gồm rất nhiều các hoạt động, từ mối quan hệ thương mại phát triển nhanh chóng đến tăng cường hợp tác an ninh. Nhưng tôi tin rằng chính hợp tác của chúng ta trong lĩnh vực giáo dục đã giúp Hoa Kỳ và Việt Nam vạch ra lộ trình cho một mối quan hệ mới từ cách đây 20 năm . Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là minh chứng cho tất cả các quốc gia khác rằng sự tôn trọng lẫn nhau và các giá trị chung có thể biến những khác biệt của quá khứ thành hợp tác trong tương lai. Công việc mà hai nước chúng ta đã làm cách đây 20 năm nhằm tìm ra điểm chung trong lãnh vực giáo dục thực sự có tầm nhìn và tạo ra cảm hứng. Và tất cả các bạn, các cựu sinh viên Chương Trình Giảng Dạy Kinh Tế Fulbright, hàng ngày, đã chứng minh rằng khoản đầu tư này đã mang lại kết quả trong công việc các bạn làm nhằm xây dựng một nước Việt Nam mạnh mẽ hơn.

Trong khi quan hệ của chúng ta ngày càng phát triển trong những năm qua, chúng ta cũng đã mở rộng hơn nữa các liên kết giáo dục. Việt Nam hiện xếp thứ 8 trong số các nước có nhiều du học sinh nhất theo học tại Hoa Kỳ, nhờ vào công việc mà trung tâm EducationUSA đã thực hiện, với hơn 16,500 sinh viên đang theo học trong năm nay tại các trường đại học Hoa Kỳ. Chương trình Fulbright đã phát triển và lớn mạnh, và chúng tôi rất tự hào rằng lãnh đạo khắp Việt Nam, gồm cả cấp cao nhất trong chính quyền, có mặt trong số hơn 600 cựu sinh viên của chương trình. Fulbright cũng đã mang hơn 400 học giả Hoa Kỳ đến Việt Nam, chứng minh rằng Hoa Kỳ sẵn sàng giúp Việt Nam phát huy tiềm năng của mình. Việt Nam cũng là nước lãnh đạo trong một trong những chương trình mới nhất của chúng tôi tập trung vào phát triển giáo dục và thanh niên, đó là Sáng Kiến Thủ Lĩnh Trẻ Đông Nam Á, trong đó Việt Nam có nhiều thành viên tham gia hơn bất kỳ quốc gia nào trong khu vực.

Khi Tổng thống Obama và Chủ tịch Sang ký quan hệ Đối tác Toàn diện vào năm 2013, hai nhà lãnh đạo đã đặt ngoại giao giáo dục làm trung tâm. Điều đó phản ánh những mục tiêu chung cho những thành tựu của chúng ta đạt được trong 20 năm sắp tới.

Chúng tôi tin rằng một phần quan trọng để hiện thực hóa tầm nhìn này là việc thành lập Đại học Fulbright của Việt Nam và cả vai trò của Quốc hội Hoa Kỳ. Tôi rất vui được thông báo với tất cả các bạn hôm nay rằng Quốc Hội Hoa Kỳ vừa thông qua điều luật cho phép Ngoại trưởng Hoa Kỳ đóng góp nhiều triệu đô la cho Quỹ Tín thác Sáng kiến Đại học Việt Nam (TUIV) nhằm hỗ trợ việc thành lập Đại học Fulbright (FUV). Qui mô của khoản tài trợ rõ ràng cho thấy chúng tôi biết Đại học là một đầu tư to lớn vào tương lai của Việt Nam.

Cho phép tôi được nhân dịp này phát biểu trực tiếp với các bạn, các cựu sinh viên của FETP, về lý do tại sao chính phủ Hoa Kỳ có cam kết này và nó có ý nghĩa gì đối với quan hệ giữa hai nước trong tương lai. Mục tiêu của chúng tôi rất rõ ràng: Chúng tôi muốn giúp Việt Nam trở thành một quốc gia vững mạnh, thịnh vượng và độc lập, tôn trọng pháp quyền và nhân quyền. Hoa Kỳ có lợi ích khi đạt được kết quả đó, và chúng tôi biết rằng về lâu dài, thành công từ nỗ lực của chúng tôi nhằm giúp Việt Nam xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân dĩ nhiên tùy thuộc vào chính người dân nơi đây.

Tôi nói “về lâu dài” vì đó chính là quan điểm của Hoa Kỳ đối với mối quan hệ với Việt Nam. Cũng chính nhờ có triển vọng dài hạn mà các nhà lãnh đạo của chúng ta đã xây dựng nên chương trình FETP cách đây 20 năm. Cũng chính vì quan điểm đó mà tôi muốn đảm bảo là tất cả các bạn biết rằng cam kết của chúng tôi không phải chỉ dành cho các cơ sở như chương trình FETP hay đại học FUV mà còn là với cá nhân tất cả các bạn. Cam kết của chúng tôi với các bạn đã không kết thúc khi các bạn hoàn tất việc học tại FETP, nó sẽ tiếp tục cho đến ngày hôm nay thông qua các cơ hội mà chúng tôi dành cho cựu sinh viên các chương trình trao đổi và giáo dục của chính phủ Hoa Kỳ trên khắp thế giới. Các bạn có kiến thức và sức mạnh để thúc đẩy Việt Nam tiến về phía trước, và các bạn đã chứng tỏ trong suốt 20 năm qua rằng tầm nhìn để đạt được mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam như ngày hôm nay là mục tiêu rất đáng theo đuổi.

Cám ơn FETP về lễ kỷ niệm tuyệt vời này và những thành tựu các bạn đã đạt được trong 20 năm qua. Tôi rất vui có mặt cùng với tất cả các bạn tại đây chiều nay để cùng trao đổi về con đường chúng ta cùng đi trong 20 năm tiếp theo. Xin cám ơn.


http://vietnamese.vietnam.usembassy.gov/ambspeech-170115.html

Leave a Reply