Bộ Y tế Việt Nam, Bộ Y tế và Dịch vụ Con người Hoa Kỳ Khánh thành Văn phòng Đáp ứng Khẩn cấp Sự kiện Y tế Công cộng Khu vực Phía Nam


Theo nguồn tin trên trang mạng của U.S. Embassy and Consulate in Vietnam.


Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, ngày 23 tháng 8 năm 2017 – Lãnh đạo Bộ Y tế Việt Nam và Bộ Y tế và Dịch vụ Con người Hoa Kỳ đã khánh thành Văn phòng đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (EOC) khu vực phía Nam đặt tại Viện Pasteur TP.HCM ngày 23/8. EOC sẽ là trung tâm điều phối, đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, bao gồm các dịch bệnh nguy hiểm tái nổi hay mới nổi ảnh hưởng tới an sinh xã hội, sức khỏe người dân khu vực phía Nam.

Trong hoạt động thường nhật, cán bộ EOC liên tục thu thập, theo dõi và phân tích dữ liệu giám sát, tiến hành điều tra dịch và tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị trong và ngoài ngành Y tế. Việc khánh thành và đưa EOC khu vực phía Nam vào vận hành đã phản ánh mối quan hệ sâu sắc giữa Bộ Y tế Việt Nam và Bộ Y tế và Dịch vụ Con người Hoa Kỳ trong công tác giám sát, kiểm soát các bệnh truyền nhiễm.

Tại buổi lễ khánh thành, về phía Việt Nam có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM Phan Trọng Lân. Về phía Hoa Kỳ có sự tham dự của Ngài Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Con người Hoa Kỳ Thomas Price, Ngài Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius, và Phó giám đốc thường trực Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) Anne Schuchat.

Ngài Bộ trưởng Price phát biểu rằng: “Chúng tôi rất vui mừng khánh thành EOC mới này, đây sẽ là một thành tố quan trọng trong việc phòng chống các dịch bệnh tại khu vực phía Nam. Thông qua kiến thức và tài năng của các nhà khoa học, các bác sĩ và các nhà nghiên cứu của Bộ Y tế và Dịch vụ Con người Hoa Kỳ, Hoa Kỳ đang hợp tác với các quốc gia khác trên khắp thế giới nhằm tăng cường khả năng phòng ngừa, phát hiện và ứng phó với các bệnh truyền nhiễm xuyên quốc gia. Sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước chúng ta và tăng cường an ninh y tế toàn cầu”.

Ngài Đại sứ Osius nhấn mạnh “Hoa Kỳ và Việt Nam có chung nhiều lý do chiến lược – an ninh quốc gia, ngoại giao, thương mại – để duy trì hợp tác trong lĩnh vực y tế. Chính phủ Hoa Kỳ cam kết duy trì mối quan hệ thân thiết này, mối quan hệ có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế”.

Việt Nam đã đóng vai trò then chốt trong Chương trình An ninh Y tế Toàn cầu, một nỗ lực chung của hơn 60 quốc gia nhằm tăng cường năng lực phòng ngừa, phát hiện và ứng phó với các mối nguy cơ đe dọa đến sức khỏe cộng đồng. Tiến sĩ Schuchat, Phó giám đốc thường trực CDC, đánh giá cao cách tiếp cận chủ động của Việt Nam và cho rằng “Việt Nam đã và đang là một đối tác sớm, mạnh mẽ của Chương trình An ninh Y tế Toàn cầu thông qua việc tham gia vào các chương trình của CDC và phát huy những thành công ban đầu nhằm thúc đẩy các mục tiêu của chương trình. CDC cam kết tiếp tục hợp tác với Việt Nam và Viện Pasteur TPHCM nhằm nâng cao năng lực và củng cố hệ thống đáp ứng với các mối đe dọa toàn cầu”.

Viện Pasteur TPHCM đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh y tế toàn cầu và vì thế thích hợp là nơi đặt EOC. Thông qua Bộ Y tế và Dịch vụ Con người và Cơ quan Giảm thiểu các Mối đe dọa Quốc phòng (DTRA) của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Chính phủ Hoa Kỳ đã và đang hỗ trợ thiết bị, hệ thống quản lý thông tin và đào tạo nhân lực để vận hành hệ thống EOC tại Việt Nam. CDC cũng đã hỗ trợ thiết lập hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng và bước đầu thành công trong giai đoạn thí điểm. Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM Phan Trọng Lân cho biết “EOC khu vực phía Nam sẽ giúp phát hiện sớm các mối nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng, từ đó xây dựng các biện pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ và ngăn chặn sự lây lan của mối nguy này tại Việt Nam cũng như sang các nước khác trên thế giới”. Hai văn phòng EOC tiếp theo dự kiến sẽ được thiết lập tại miền Trung và Tây Nguyên trong năm 2018.

Viện Pasteur TPHCM đã cử cán bộ tham gia Chương trình đào tạo dịch tễ học thực địa dài hạn (trong 2 năm) của Bộ Y tế nhằm tiếp tục tăng cường khả năng đáp ứng của Viện. Trong chương trình này, CDC và các đối tác đào tạo dịch tễ học ứng dụng nhằm củng cố năng lực đáp ứng với sự kiện y tế công cộng. Ngoài ra CDC hỗ trợ giám sát cúm và các nỗ lực giảm sự lây truyền cúm thông qua hợp tác với Trung tâm Cúm Quốc gia tại Viện Pasteur TPHCM. Với sự tài trợ về nguồn lực và hỗ trợ kỹ thuật của CDC thông qua Chương trình An ninh Y tế Toàn cầu, Viện Pasteur TPHCM đã thiết lập hệ thống giám sát nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng (SARI) tại khu vực phía Nam và thí điểm triển khai hệ thống giám sát dựa vào sự kiện (EBS) tại 2 tỉnh An Giang và Bà Rịa Vũng Tàu, cùng với hệ thống giám sát viêm phổi nặng nghi do vi rút hiện có tại 20 tỉnh thành phố cũng như hỗ trợ ban đầu xét nghiệm về sốt xuất huyết, Zika, Chikungunya. EOC sẽ là đơn vị đầu mối trong việc phối hợp, phân tích dữ liệu từ các chương trình này trong nỗ lực kiểm soát các bệnh dịch.

Hơn 15 năm qua Viện Pasteur TPHCM đã hợp tác sâu rộng với CDC trong việc giải quyết các mối quan ngại về sức khỏe cộng đồng. Thông qua Kế hoạch Hỗ trợ khẩn cấp Phòng, chống HIV/AIDS của Tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR), phòng xét nghiệm HIV/AIDS Viện Pasteur TPHCM là nơi đầu tiên triển khai xét nghiệm tải lượng vi rút và các hoạt động giám sát của Viện đã cung cấp những thông tin quan trọng về sự thay đổi dịch HIV/AIDS tại khu vực phía Nam. Lễ khánh thành EOC khu vực phía Nam sẽ giúp củng cố thêm mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam và tái khẳng định các mục tiêu chung của cộng đồng quốc tế trong việc dự phòng, phát hiện, theo dõi, kiểm soát và ứng phó với các mối nguy đe dọa sức khỏe cộng đồng.



Bộ Y tế Việt Nam, Bộ Y tế và Dịch vụ Con người Hoa Kỳ Khánh thành Văn phòng Đáp ứng Khẩn cấp Sự kiện Y tế Công cộng Khu vực Phía Nam